Thiết kế phân tần 2 đường tiếng và lên thùng cho cặp driver Sony 30cm màng gỗ và cặp tép Siemens 11cm
Anh Long nhờ tôi thiết kế phân tần và lên thùng cho cặp loa Sony hàng thửa 30cm của anh không rõ model và cặp loa tép 11cm của Siemens cũng không rõ model.
Như mọi khi tôi sẽ tiến hành đo đạc cho từng cặp loa của anh rồi mới quyết định lựa chọn sau.
1.Cặp loa bass 30cm Sony màng gỗ, có vẻ như đây là màng gỗ chế chứ ko phải nguyên bản của nó.


Đặc tuyến trở kháng của loa như sau:

Đặc tuyến cho thấy trở kháng của loa (đường cong phía sau đỉnh cộng hưởng) vào khoảng 8.6 ohm với trở kháng tại tần số cộng hưởng của loa vào khoảng 60 ohm và sau tầm hơn 1000Hz thì giống như đặc điểm của các dòng loa bass khác khi tần số tăng lên thì trở kháng cũng tăng lên theo (do cấu trúc của loa điện động gồm có cuộn âm về bản chất là một cuộn cảm có một trị số nhất định, trong trường hợp này là khoảng 0.42mH, nên khi tần số tăng lên cuộn cảm có xu hướng ngăn chặn tín hiệu tần số cao hơn trị số của nó). Nhằm làm cho đáp tuyến trở kháng của driver bằng phẳng, tức là không thay đổi theo tần số, đặc biệt là tại dải tần mà chúng ta mong muốn cho nó hoạt động thì có thể dùng các mạch cân bằng như Zobel (dùng một con tụ hóa và một con điện trở mắc nối tiếp với nhau rồi mắc song song với loa bass) để xử lý, mạch này còn gọi là mạch cân bằng trở kháng. Trong trường hợp của con toàn dải 30cm của Sony này thì tôi cũng khuyến nghị anh Long chơi mạch Zobel nhưng anh nói sẽ quyết định sau.
Tần số cộng hưởng trong không gian tự do Fs vào khoảng 42Hz là tần số mà tại đó màng loa bắt đầu dao động với tín hiệu nhỏ nhất được đưa vào. Còn nếu chơi thùng bookshelf thì con Sony này phù hợp với thùng kín vì tỷ số EBP của nó tính bằng Fs/ Qes = 45 < 50. Ưu điểm của thùng kín là thể tích nhỏ hơn nhiều so với loa TQWT mà tôi dự định lên cho anh.
Đáp tuyến tần số của loa Sony màng gỗ 30cm này như sau:

Nhìn vào đáp tuyến có thể thấy dải trung của loa bị hụt gần 10dB trong khoảng từ 1kHz tới 5kHz và độ nhạy trung bình vào khoảng 90dB nhưng vẫn có dáng dấp của một loa toàn dải. Như vậy tôi sẽ để cho loa này đánh toàn dải không cắt tần và chỉ cắt tần cho loa tép Siemens 11cm mà thôi.
2. Loa tép giấy Siemens 11cm.


Nhìn vào hình thức của loa (màng lõm, đường kính 11cm, và mặt sau được bưng kín).. thì có thể đoán được ngay loa này thuộc vào loa chơi trung cao, tần số cao nhất lên tới tầm 17kHz là cùng.
Đáp tuyến trở kháng của loa như sau:

Loa có trở kháng thuần 6.7 ohm và tần số Fs là hơn 1kHz một chút. Như vậy với tần số 1kHz thì tần số cắt tối thiểu của nó phải là 8 lần Fs tức là 1000Hz x 8 = 8,000Hz theo ông Small.
Đáp tuyến tần số của loa như sau:

Loa có đáp tần rất đặc thù của loa trung cao tuy nhiên đáp tần lại không được đẹp với điểm lõm khá sâu tại tần số khoảng 3kHz tuy nhiên khoảng tần số dưới 8Khz thì chúng ta không dùng cho nên không có vấn đề gì cả. Chỉ có là đáp tuyến tần số của nó bị thiếu dải cao từ 16kHz, 17Khz trở lên và độ nhạy của loa khá cao so với loa Sony, gần 100dB.
Sơ đồ chuẩn thì tôi sẽ bố trí thêm mạch Zobel cho cho loa Sony 30cm để căn bằng trở kháng với loa tép, tuy nhiên anh Long cảm thấy không cần thiết nên tôi sẽ chỉ dùng phương án cắt tụ đơn giản nhất cho bộ này.
Sơ đồ phân tần của loa rất đơn giản như sau:

Lưu ý:
1. Loa tép đấu đảo pha để cho đồng pha với driver Sony 30cm.
2. Con Sony 30cm màng gỗ được đánh toàn dải.
3. Xác định là dải trung sẽ bị mỏng.
4. Nếu nghe tép giấy chưa đủ thì có thể tăng lên sử dụng tụ 0.68uF hoặc 0.82uF.
Đáp tuyến tần số sau cắt tần.

Đáp tuyến cho thấy rõ ràng sự thiếu hụt giải cao, từ tầm 16kHz. Đường đỏ là con tép Siemens 11cm và đường vàng là con Sony 30cm màng gỗ.
Thùng loa TQWT được thiết kế như sau:

Lưu ý đây là kích thước lòng và tính bằng cm. Loa tép Siemens sẽ được lắp phía dưới con Sony, cách nhau 10cm.
Thùng đang được hoàn thiện...


Với thiết kế này dự là dải tần tháp của loa sẽ rất hay.
Audible Hertz Shop